Collagen là một loại protein quan trọng. Một số thực phẩm như da động vật và dây chằng chứa nhiều collagen tự nhiên. Ngoài ra, collagen cũng được sản xuất dưới dạng thực phẩm bổ sung để hỗ trợ sức khỏe.
Nhiều người sử dụng collagen mỗi ngày để cải thiện sức khỏe da, tóc và khớp bằng cách uống viên bổ sung hoặc thêm bột collagen vào thạch, cà phê, trà, hay sinh tố vào buổi sáng.
Mặc dù các sản phẩm bổ sung collagen ngày càng trở nên phổ biến, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ collagen là gì và vai trò của nó trong cơ thể.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện về collagen, bao gồm định nghĩa, chức năng của nó trong cơ thể và liệu việc sử dụng thực phẩm bổ sung collagen có thực sự mang lại hiệu quả hay không.
Collagen là gì và tại sao nó quan trọng?
Collagen là một loại protein, và thực tế, nó là loại protein cấu trúc phong phú nhất trong cơ thể động vật và con người. Protein cấu trúc là loại protein đóng vai trò xây dựng và duy trì cấu trúc của tế bào và mô. (nguồn 1)
Hiện nay, có 28 loại collagen đã được xác định, trong đó collagen loại I chiếm tới 90% tổng lượng collagen trong cơ thể người. (2)
Thành phần chính của collagen bao gồm các axit amin như glycine, proline và hydroxyproline. Các axit amin này kết hợp thành ba sợi, tạo nên cấu trúc xoắn ba đặc trưng của collagen. (3)
Collagen tồn tại chủ yếu ở mô liên kết, da, gân, xương và sụn. Nó đóng vai trò hỗ trợ cấu trúc cho các mô và tham gia vào nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể như: (3, 4, 5, 6):
Sửa chữa mô
Đáp ứng miễn dịch
Giao tiếp tế bào
Di chuyển tế bào – quá trình cần thiết để duy trì mô
Collagen được sản xuất và duy trì bởi các tế bào mô liên kết gọi là nguyên bào sợi (fibroblast). Khi cơ thể già đi, collagen bị phân hủy, chức năng của nguyên bào sợi suy giảm, dẫn đến sản xuất collagen chậm hơn. (3, 7). Những thay đổi này, kết hợp với sự suy giảm elastin – một loại protein cấu trúc quan trọng khác, dẫn đến các dấu hiệu lão hóa như da chảy xệ và xuất hiện nếp nhăn.
Công dụng của collagen
Cơ thể bạn tự nhiên sản xuất collagen, và bạn cũng có thể bổ sung collagen thông qua thực phẩm như da gà, da cá hoặc các sản phẩm bổ sung collagen.
Các sản phẩm collagen dạng uống hoặc bôi ngoài, như viên uống và kem dưỡng da, rất phổ biến trong việc hỗ trợ điều trị các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, mất độ ẩm da, và đau khớp.
Collagen được bày bán dưới nhiều dạng như bột, viên nang, và dung dịch.
Bạn có thể sử dụng collagen như một loại thực phẩm bổ sung, hoặc pha nó vào đồ uống nóng, lạnh, và các món ăn như bột yến mạch, sữa chua, hoặc bánh năng lượng.
Trong y học, các chuyên gia cũng ứng dụng collagen và các vật liệu từ collagen để điều trị các vết thương, bỏng, và loét do tiểu đường (8).
Ngoài ra, các công ty mỹ phẩm sử dụng collagen trong các sản phẩm dưỡng ẩm và serum nhờ khả năng giữ nước và dưỡng ẩm hiệu quả (9).
Tóm tắt:
Cơ thể bạn tự nhiên sản xuất collagen, loại protein này có mặt ở mô liên kết, da, gân, xương và sụn, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng. Ngoài ra, collagen cũng có thể được tìm thấy trong thực phẩm và bổ sung thông qua các sản phẩm hỗ trợ.
Nguyên nhân gây mất collagen
Khi bạn già đi, cơ thể sẽ tự nhiên giảm sản xuất collagen. Đồng thời, collagen cũng bị phân mảnh và phân bố lỏng lẻo hơn (10).
Những thay đổi này dẫn đến các dấu hiệu lão hóa quen thuộc như nếp nhăn, da khô, và tình trạng da chảy xệ. Ngoài ra, sự suy giảm collagen trong hệ xương cũng khiến xương yếu dần theo thời gian (11).
Mặc dù mất collagen theo tuổi tác là điều không thể tránh khỏi, một số yếu tố từ chế độ ăn uống và lối sống có thể đẩy nhanh quá trình này.
Ví dụ, hút thuốc lá là nguyên nhân chính làm phá hủy collagen, khiến da lão hóa nhanh hơn, hình thành nếp nhăn và mất đi độ đàn hồi (12, 13).
Uống rượu quá mức cũng được chứng minh làm giảm sản xuất collagen và tổn hại đến cơ chế phục hồi da (13).
Hơn nữa, việc tiêu thụ nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn có thể dẫn đến lão hóa sớm. Quá trình này liên quan đến glycation, làm giảm sự tái tạo collagen và ảnh hưởng đến khả năng tương tác của collagen với các tế bào và protein xung quanh (14).
Ngoài ra, việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời cũng làm giảm sản xuất collagen. Vì vậy, sử dụng kem chống nắng và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng gay gắt có thể giúp ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa da sớm (15).
Tóm tắt:
Mất collagen theo tuổi tác là điều không thể tránh, nhưng các yếu tố như hút thuốc lá, uống rượu quá mức, và chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm quá trình này diễn ra nhanh hơn.